GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 3

CHÀO MỪNG NGÀY QTPN 8-3 VÀ NGÀY THÀNH LẬP ĐOÀN 26-3

      Các bạn độc giả thân mến !

Để có được cuộc sống yên bình như ngày hôm nay, biết bao thế hệ thanh niên đã nối tiếp nhau lên đường chiến đấu và rất nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Những con người trẻ tuổi đó thật đáng để chúng ta khâm phục, tự hào  Họ không chỉ là những chàng trai mà còn có cả những cô gái, họ thật xứng đáng với danh hiệu “Phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Để hiểu hơn về thế hệ trẻ đặc biệt là những cô gái trẻ  của gần sáu chục năm về trước TV trường xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn sách “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” . Sách dày 322 tr do Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2005 với khổ sách 20,5cm. Cuốn nhật kí là tập hợp 2 quyển nhật kí của nữ liệt sĩ  - bác sĩ trẻ Đặng Thùy Trâm được một người Mỹ vô tình tìm thấy và trân trọng giữ gìn. Quyển 1:1968 và quyển 2:1970 Nhật kí xuân Canh Tuất

Liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26/11/1942 trong một gia đình trí thức. Bố là bác sĩ ngoại khoa Đặng Ngọc Khuê, mẹ là dược sĩ Doãn Ngọc Trâm- Nguyên giảng viên trường Đại học Dược Hà Nội .

Tác giả của những dòng nhật kí này thuộc về một lớp người khá đặc biệt trong đời sống xã hội từ sau năm 1945. Họ có mặt trong các cuộc kháng chiến chống Mỹ từ những năm đầu tiên khi ở miền Nam các cơ sở  cách mạng triển khai đến tận huyện đồng bằng và trên toàn quốc. Cuộc chiến tranh dù gian khổ nhưng chưa có cái không khí  bức bối, khắc nghiệt như từ đầu những năm 70 trở đi.

Thùy Trâm tốt nghiệp đại học Y Hà Nội năm 1966. Chị xung phong vào công tác ở chiến trường B. Với chị vào tận Quảng Ngãi và được phân công phụ trách  bệnh viện huyện Đức Phổ là một sự thử thách và niềm vui được cống hiến. Cuộc sống gian khổ thiếu thốn với nhiệm vụ nặng nề chăm sóc cứu chữa thương binh. Chị yêu thương mọi người, chị đau với nỗi đau của bệnh nhân. Mặt khác chị cũng là người rất tha thiết với thiên nhiên và cây cỏ, một phần tháng ngày của chị  được dệt bởi buồn vui quá khứ. Trong khi thất bại trong tình cảm riêng con người này lại biết tìm ra ngay từ xung quanh những yếu tố tốt đẹp rồi lý tưởng hóa lên bù một cuộc sống nội tâm vốn quá dồi dào, quá nồng nhiệt . Trong những trang nhật kí của người nữ bác sĩ này ghi gần hết những cung bậc tình cảm mà ai ở vào cương vị ấy đều trải qua và có cảm tưởng chỉ làm như vậy mới tìm được sự cân bằng cần thiết .

Đối với Thùy Trâm, nhật kí đã trở thành một phần cuộc đời để chia sẻ, để thú nhận, tiếp thêm niềm tin và đôi khi là để làm nũng với mình đôi chút .

Tuy cái chết không được miêu tả nhiều trong nhật kí nhưng trong tâm trí của Trâm thì nó luôn có mặt. Tất cả những yếu tố đó làm nên sức cuốn hút của những tâm sự, mặc dù hoàn cảnh đổi khác nhưng cuốn nhật kí vẫn có cái nhân tố nhân văn đầy bí ẩn. Nếu cuốn sách có thể giúp người đọc quay trở lại tìm những thiết tha cao đẹp và cả những cay đắng bi thảm tức là sự hy sinh của một con người ở tuổi 27 có thêm một ý nghĩa chân chính.

Mời các bạn hãy đến với thư viện và tìm đọc "Nhật kí Đặng Thùy Trâm". Những ai chưa đọc hãy tìm đọc ngay nhé còn những ai đã đọc rồi hãy đọc nữa đọc mãi để hiểu thêm về những người lính trẻ, về sự hy sinh mất mát của họ. Như thế chúng ta mới thấy được hết ý nghĩa của cuộc sống hôm nay và cuốn sách sẽ tiếp sức cho bạn, giúp bạn vững tin ở cuộc sống này và vững bước tới tương lai.